Bạn có biết tại sao Nhật Bản, Hàn Quốc trở thành cường quốc không? Chính vì chính sách thắt lưng buộc bụng hạn chế tiêu dùng lãng phí.
Tôi thấy giới trẻ bây giờ suy nghĩ hơi ấu trĩ, thích đua đòi, ích kỷ và hay thích tỏ ra "nguy hiểm" như một số bạn nói trên đây. Tôi không có ý khoe khoang nhưng không nói thì có một số người cứ nghĩ là tôi không có khả năng về tài chính để chơi công nghệ.
Tôi sống ở Nha Trang, 32 tuổi. Thu nhập hiện tại của tôi là 30 triệu một tháng, chưa kể tiền cho thuê 3 căn hộ chung cư và một căn nhà, cái này tôi giao cho bà xã quản lý nên không tính, sở hữu hai ô tô (Toyota Crown đời 94 - cái này là quà của bố tặng nên không bán và một chiếc Kia Carens). So với mặt bằng ở Nha Trang thì tôi không nghèo, tôi đủ tiền để làm cái gì tôi muốn.
Các bạn cứ xem lại xem, tablet hiện nay sử dụng nhiều nhất là ai? Chủ yếu là giới trẻ ít hơn 35 tuổi mà phần lớn là tầm 16 đến 27 tuổi, cái này theo quan sát của tôi thôi. Ở độ tuổi mà phần lớn là chưa có công việc và thu nhập ổn định, thậm chí là còn đang ăn bám gia đình (xin lỗi tôi nói thẳng).
Tiền mua những vật dụng công nghệ này từ đâu? Tiền của bố mẹ. Tôi làm một bài toán thế này thì các bạn sẽ hiểu thôi. Ví dụ, giá một chiếc iPad 1 lúc mới ra là khoảng từ 14 đến 18 triệu tùy option (lúc sốt giá hình như lên đến 25 triệu thì phải). Sau một năm, khi iPad 2 ra đời, giá iPad 1 mới giảm xuống một phần baso với lúc mới ra. Nếu bạn mua iPad một lúc mới ra và bây giờ muốn đổi sang iPad 2 vì những tính năng mới mà theo quảng cáo là vượt trội thì giá bán iPad 1 dùng rồi chỉ bằng nửa giá lúc bạn mua. Vậy là bạn mất khoảng 7 - 9 triệu. Bạn mua iPad 2 giá khoảng 18 triệu (cái này tôi ước chừng thôi) vậy là bạn mất khoảng 25 triệu để đổi từ iPad 1 đến iPad 2.
Vậy nếu một năm ở Việt Nam có 100.000 người đổi từ iPad 1 sang iPad 2, tổng số tiền là 25.000.000 x 100.000 = 2.500.000.000.000 đồng (2 nghìn 500 tỷ đồng). Đây có phải là một lãng phí lớn cho một quốc gia mà GDP bình quân chỉ 1.200 USD một người một năm?
Bạn có biết giá xuất xưởng một chiếc iPad là bao nhiêu không? Chỉ khoảng 200 USD. Giá bán nó bao nhiêu? Ấy vậy mà có rất nhiều người lại sẵn sàng dùng từng đó tiền tự sướng, để chứng tỏ mình là người sành công nghệ. Và cũng những con người đó một năm bỏ ra được bao nhiêu tiền để học hỏi, đầu tư, kinh doanh làm từ thiện hay những việc có ích khác?
Bạn có biết tại sao Nhật Bản, Hàn Quốc trở thành cường quốc không? Chính vì chính sách thắt lưng buộc bụng hạn chế tiêu dùng lãng phí. Họ sản xuất rất nhiều sản phẩm để xuất khẩu cho toàn thế giới. Họ là nước xuất siêu chứ không phải nhập siêu. Chính vì vậy mà họ trở thành cường quốc.
Vậy bạn có biết tại sao Việt Nam nghèo không? Bạn có biết sau hơn 20 năm mở cửa Việt Nam vẫn là nước nhập siêu không? Theo bạn bao nhiêu năm nữa Việt Nam mới trở thành nước xuất siêu? Bao nhiêu năm nữa Việt Nam mới trở thành cường quốc? Điều đó phụ thuộc vào chính ý thức tiêu dùng của giới trẻ chúng ta đấy.
Tôi sẽ vui mừng khôn xiết khi biết Việt Nam sản xuất được một sản phẩm mà cả thế giới đều thích như iPad chứ tôi không vui mừng khi thấy được cái tin đại loại như Apple bán được 100.000 iPad 2 ở Việt Nam trong năm 2011.
Công nghệ luôn luôn thay đổi. Nếu bạn biết tận dụng công nghệ để phục vụ cuộc sống của mình một cách hợp lý thì rất tốt và phần lớn những người như vậy là những người thành công. Nhưng nếu bạn cứ chạy đua theo công nghệ để đua đòi, để chứng tỏ mình nguy hiểm thì… Tôi không khỏi cười thầm khi nghe thấy: "Ôi, iPad 2 ra rồi, về bán con iPad 1 này xin thêm tiền xúc con mới thôi". Khi iPad 3, 4 ra đời thì điệp khúc trên lại lặp lại.
Bản thân các sản phẩm công nghệ không có vấn đề, chỉ có người mù quáng chạy theo nó mới có vấn đề. Các bạn hãy về hỏi lại những thế hệ đi trước họ dùng cái gì để chiến thắng những kẻ thù mạnh gấp nhiều lần? Còn thế hệ chúng ta ngày nay cái gì cũng có nhưng chúng ta đã làm được cái gì?
Theo Vnexpress